Kinh doanh bánh mì nghe qua tưởng dễ, nguyên liệu dễ tìm, ai cũng làm được, giá rẻ dễ bán. Thế nhưng để thành công và duy trì lợi nhuận lâu dài thì lại là một bài toán đòi hỏi sự đầu tư kỹ lưỡng về chiến lược và vận hành. Chính vì loại bánh này quá phổ biến nên cũng sẽ cạnh tranh gay gắt từ xe đẩy nhỏ đến cửa hàng lớn. Bài viết này sẽ cho bạn cái nhìn thực tế về việc kinh doanh bánh mì cũng như những chiến lược, kinh nghiệm để “khởi nghiệp thành công”.
NỘI DUNG
1. Vì sao kinh doanh bánh mì chưa bao giờ hết hot tại Việt Nam?
Bánh mì là món ăn Việt Nam ngon nức tiếng không chỉ trong nước mà cả thế giới đều công nhận. Bánh mì xuất hiện trong từ điển Oxford, được review khen hết lời trong các tờ báo lớn thế giới như The Guardian, được Google vinh danh… Là món ăn tiện lợi, lại ngon – bổ – rẻ, bánh mì là bữa ăn thường xuyên của người Việt. Người Việt có thể ăn bánh mì mọi bữa trong ngày, do đó nhu cầu về bánh mì hằng ngày là rất lớn.
Không chỉ có hương vị hấp dẫn, món bánh đường phố này còn là lựa chọn kinh doanh tuyệt vời: dễ làm, có nhiều biến tấu với các loại nhân khác nhau, phù hợp với nhiều khẩu vị. Mức giá hợp lý có thể tiếp cận đa dạng khách hàng từ những em học sinh đến người lớn đã đi làm. Đây là yếu tố quan trọng khiến nó luôn giữ vững vị thế trong ngành thực phẩm nhanh tại Việt Nam.
Bạn có thể dễ dàng bắt đầu kinh doanh chỉ với một xe đẩy bánh mì trong các khu dân cư, gần trường học, văn phòng… Và nếu bán chạy, bạn hoàn toàn có thể mở thêm các cửa hàng khác như các chuỗi bánh mì hiện nay.
2. Bài toán kinh doanh bánh mì: Tưởng dễ mà không dễ
Dù bán mì là món dễ làm dễ bán, nhưng không phải ai cũng thành công. Dưới đây là những điều bạn nên tìm hiểu trước khi bắt tay vào việc kinh doanh bánh mì.
2.1. Vốn ban đầu để kinh doanh bánh mì là bao nhiêu?
Vốn đầu tư ban đầu để mở bán bánh mì có thể rất linh hoạt, tùy vào quy mô và mô hình kinh doanh bạn chọn. Với một quán bánh mì nhỏ, bạn có thể bắt đầu với khoảng 10 – 50.000.000 VNĐ. Các chi phí chủ yếu bao gồm:
- Mặt bằng: Chi phí thuê mặt bằng bán bánh mì sẽ khác nhau tùy theo vị trí và diện tích mà có thể dao động từ 5 – 20.000.000 VNĐ/tháng. Nếu bạn bán tại nhà thì tuyệt vời vì không cần mất phí này, chỉ cần chi trả tiền điện nước.
- Trang thiết bị: Các dụng cụ như bếp, lò nướng, bàn sơ chế, tủ đựng bánh, thùng đựng nguyên liệu, dao kéo, và các thiết bị vệ sinh có thể tốn từ 5 – 15.000.000 VNĐ. Đây hầu như là chi phí lớn nhất của mọi người khi kinh doanh bánh mì.
- Nguyên liệu: Để chuẩn bị cho những ngày đầu bán hàng, bạn cần mua bánh mì, nhân (thịt, chả, rau củ…), gia vị, nước sốt, bao bì… Tổng chi phí nguyên liệu thường giao động từ 2 – 5.000.000 VNĐ tùy theo quy mô của bạn. Nếu bạn bán ở trong thôn xóm, chi phí này có thể rẻ hơn nhiều (dưới 1.000.000 VNĐ).
Ngoài các chi phí trên, nếu kinh doanh bài bản thì bạn có thể sẽ tốn tiền bảng hiệu, quảng cáo, giảm giá khai trương… Đây gọi chung là chi phí marketing và thường các cửa hàng lớn sẽ tốn kém hơn. Với mức đầu tư ban đầu không quá cao, kinh doanh bánh mì trở thành lựa chọn hợp lý cho những ai muốn khởi nghiệp với chi phí ít mà vẫn có thể tạo ra lợi nhuận.
2.2. Tính toán lợi nhuận thực tế khi bán bánh mì
Vốn ít, dễ bán, dễ lời nhưng không phải cứ hễ mở bán bánh mì là có lời. Nguyên nhân là vì người bán có thể đã không tính toán cụ thể doanh thu. Hãy lấy giấy bút và tính toán cụ thể, càng chi tiết thì khả năng bạn kinh doanh có lãi lâu dài càng cao.
Dưới đây là bài toán mẫu cho những người muốn kinh doanh bánh mì ở thành phố. Các số liệu chỉ có giá trị tham khảo, không đại diện cho thực tế. Giả sử bạn bán mỗi ổ bánh mì với giá 20.000 VNĐ và bán được 100 ổ bánh mì/ngày. Khi đó các phép tính sẽ như sau:
- Doanh thu hàng ngày = 20.000 VNĐ x 100 = 2.000.000 VNĐ.
- Chi phí nguyên liệu: Bằng tổng chi phí cho từng loại nguyên liệu bạn bán. Giả sử với chiếc bánh mì giá bán ra 20.000 VNĐ, bạn tốn 7.000 VNĐ nguyên liệu cho mỗi ổ. Vậy tổng chi phí nguyên liệu hàng ngày là 7.000 VNĐ x 100 = 700.000 VNĐ.
- Chi phí cố định: Giả sử bao gồm tiền thuê mặt bằng là 6.000.000 VNĐ, lương nhân viên 4.000.000 VNĐ, điện nước và các chi phí khác khoảng 1.000.000 VNĐ. Tổng cộng 1 tháng sẽ là 11.000.000 VNĐ, 1 ngày là khoảng 367.000 VNĐ.
- Lợi nhuận gộp hằng ngày: Doanh thu hàng ngày – Chi phí nguyên liệu hàng ngày. Con số sẽ là 2.000.000 VNĐ – 700.000 VNĐ = 1.300.000 VNĐ.
- Lợi nhuận ròng hằng ngày: Là lợi nhuận gộp trừ chi phí cố định, ở đây là 1.300.000 VNĐ – 367.000 VNĐ = 933.000 VNĐ.
- Lợi nhuận hàng tháng: 933.000 VNĐ x 30 = 27.990.000 VNĐ.
Như vậy, nếu mỗi ngày bán được 100 ổ bánh mì, bạn có thể kiếm được lợi nhuận ròng khoảng là 27.990.000 VNĐ/tháng. Tuy nhiên bán mỗi ngày 100 ổ không phải là con số nhỏ, và các chi phí thực tế có thể cao hơn. Do đó cần tính toán và lên kế hoạch kỹ lưỡng.
2.3. Những khó khăn thường gặp khi kinh doanh bánh mì
Bán bánh mì không phải là bài toán kinh doanh màu hồng. Bạn có thể gặp phải những khó khăn sau:
- Cạnh tranh khốc liệt: Bánh mì quá phổ biến nên ở đâu bạn cũng có đối thủ. Bên cạnh đó, kinh doanh bánh mì cũng là câu chuyện liên quan đến khẩu vị vùng miền và thói quen ăn uống. Nếu công thức bánh mì của bạn không phù hợp với khẩu vị số đông: quá nhạt, quá béo, quá khô… khách hàng sẽ nhanh chóng quay lưng và bạn rất khó để giữ được lượng khách ổn định. Không khác biệt về chất lượng hoặc vị trí thì dễ bị “chìm”, đóng cửa sớm vì lỗ vốn.
- Thời gian làm việc lệch giờ: Người bán bánh mì thường phải dậy từ 3 – 4h sáng để sắp xếp. Đôi khi là chuẩn bị từ cả ngày hôm trước. Thường giờ cao điểm chỉ kéo dài 2 – 3 tiếng buổi sáng, chậm trễ là mất hết khách.
- Nguyên liệu dễ hư: Thịt, rau, nước sốt đều nhanh hỏng nếu không bảo quản tốt. Nếu có hàng tồn sẽ làm tăng chi phí, giảm chất lượng.
- Dễ bị ảnh hưởng bởi yếu tố bên ngoài: Trời quá nắng, quá mưa, quá kẹt xe, hoặc trường học công ty nghỉ đột ngột… cũng có thể làm doanh thu sụt giảm mạnh và bạn sẽ lỗ vốn ngày đó. Nếu mới kinh doanh, bán nhỏ lẻ ngoài vỉa hè càng dễ bị ảnh hưởng.
- Nhân sự chưa thạo việc: Bạn mới bán hàng lần đầu, nhân viên mới đi làm chưa có kinh nghiệm dễ lóng ngóng. Nếu không chuẩn bị quy trình bán hàng sẽ khiến phục vụ chậm, mất khách.
- Biến động giá nguyên liệu: Giá thịt, rau tăng nhưng khó tăng giá bán tương ứng vì khách ăn bánh mì rất nhạy cảm với giá.
3. 5 chiến lược kinh doanh bánh mì: Khác biệt hay là chết?
Muốn bán bánh mì thành công, bạn phải khác biệt từ món ăn, địa điểm, cách vận hành đến chăm sóc khách hàng. Làm thật tốt từng phần, bạn sẽ có lợi nhuận đều đặn.
3.1. Hãy làm thật ngon một sản phẩm chủ lực
Cửa hàng chỉ có một món nhưng ngon xuất sắc sẽ luôn luôn thắng cửa hàng nhiều món nhưng món nào cũng dở. Nếu bạn mới mở và muốn bán lâu dài thì đừng vội vàng thử đủ thứ. Hãy làm một món “đỉnh” trước rồi mới tính mở rộng sau khi có đủ nguồn lực.
Kinh doanh bánh mì có nhiều lựa chọn về hương vị: bánh mì thịt nướng, bánh mì chả, bánh mì pate, bánh mì xíu mại, bánh mì trứng… Bạn hãy chọn cho mình từ 1 – 2 nguyên liệu khiến khách hàng ăn là thấy khác biệt ngay, nhớ ngay. Nước sốt đậm đà, bánh mì thơm nóng giòn, pate tự làm xuất sắc… đều là những thứ khiến bạn chiến thắng trong cuộc chiến dành sự quan tâm của khách hàng.
3.2. Lựa chọn địa điểm bán hàng đơn giản nhưng cực kỳ quyết định
Chọn chỗ bán bánh mì đừng chỉ vì giá thuê rẻ hay tiện đường đi. Một vị trí đẹp có thể chiếm tới 50% thành công. Bán gần trường học, công ty, bệnh viện hay khu dân cư đông đúc sẽ dễ kiếm khách hơn hẳn.
Đôi khi có những tiệm bánh mì chỉ cách nhau 200 – 300m, lượng khách đã khác biệt hoàn toàn. Một quán không có chỗ để khách dừng xe lại mua thì khó mà bán chạy. Bạn có thể chọn bán lưu động, bán giờ cao điểm ở nơi đông người trong vòng vài giờ.
3.3. Vận hành kinh doanh bánh mì như thế nào cho nhanh – sạch – tiết kiệm?
Thời gian là vàng bạc và người có kinh nghiệm bán bánh mì ăn sáng càng hiểu rõ điều này. Bán bánh mì là bán bữa ăn cấp tốc nhưng vẫn ngon và dinh dưỡng. Khách hàng mua bánh mì thường ghé vào các giờ ăn, đặc biệt là sáng sớm – khi mà ai cũng vô cùng vội vàng.
Do đó, tốc độ chuẩn bị món ăn, không gian và sự linh hoạt của người bán sẽ quyết định doanh thu của bạn. Chẳng ai muốn chờ 20 phút cho chỉ một cái bánh mì, và nếu 3 phút bạn chưa làm xong một cái thì khả năng sẽ phải sớm đóng cửa. Các bước để tối ưu thời gian làm một món ăn đường phố như bánh mì là:
- Bước 1: Chuẩn bị nguyên liệu trước giờ bán. Hãy sơ chế và chia sẵn các nguyên liệu thành từng phần nhỏ từ trước. Tính số nguyên liệu cần chuẩn bị theo dự trù lượng khách. Các nguyên liệu này cần được cho vào các hộp/khay riêng biệt để tránh nhầm lẫn, rối khi đông khách.
- Bước 2: Thiết lập không gian bán hàng. Các khu vực cần có là khu nấu nướng, khu chuẩn bị (bàn sơ chế nhanh, bàn lắp ráp món), khu phục vụ (kệ lấy đồ ăn, tăm giấy, nhận thanh toán). Bạn có thể đặt những vật dụng dùng nhiều nhất phải đặt ở tầm tay. Lối đi cần thông thoáng, đủ cho số người cùng bán hàng.
- Bước 3: Quy trình bán hàng bán bánh mì. Ví dụ như lấy bánh mì, cho topping theo thứ tự không đổi. Sau đó gói và giao khách. Nếu theo quy trình thì sẽ nhanh và đỡ bị sai sót hơn.
- Bước 4: Dọn dẹp liên tục khi rảnh, chưa có khách. Điều này giúp khu vực bán hàng luôn sạch sẽ, gây thiện cảm với khách hàng hơn. Không ai thích một quán bán hàng ăn không đảm bảo vệ sinh.
- Bước 5: Kết thúc ngày bán bánh mì. Bạn cần ghi lại các loại nguyên liệu còn dư, hương vị nào thì khách yêu thích hơn. Dọn dẹp vệ sinh thật sạch sẽ và chuẩn bị cho ngày hôm sau.
3.4. Làm thương hiệu kiểu nhỏ lẻ nhưng hiệu quả
Bán nhỏ lẻ không có nghĩa là không cần thương hiệu. Một cái tên dễ nhớ, một bảng hiệu đẹp, sạch sẽ và đồng phục gọn gàng cũng đã đủ để khách ấn tượng. Người bán hàng duyên dáng hay một chú mèo béo hay nằm cạnh xe bánh mì… sẽ tạo nên sự khác biệt đáng kể. Những điều nhỏ nhặt có hồn, giúp khách hàng có thể kết nối cảm xúc với cửa hàng kinh doanh bánh mì của bạn.
3.5. Giữ chân người mua hàng trung thành khi kinh doanh bánh mì
Bất kể bạn bán gì thì việc giữ chân khách quen cũng quan trọng không kém việc tìm khách mới. Hãy tập nhớ mặt, nhớ khẩu vị riêng của khách bởi điều này sẽ gây ấn tượng cực tốt với họ. Ai thích ít pate, ai thường xin thêm tương ớt, hay yêu cầu bánh giòn hơn…
Quảng cáo tốt nhất khi kinh doanh bánh mì là lời khen từ chính khách hàng. Khách có trải nghiệm tốt sẽ thành khách hàng quen. Khách ăn ngon sẽ tự nhiên giới thiệu bạn bè người thân và bạn có thêm doanh thu. Không cần quảng cáo rầm rộ, bạn chỉ cần chăm khách thật tốt từ những ổ bánh mì đầu tiên.
4. Kinh doanh bánh mì cũng cần cải tiến và học hỏi
Khi kinh doanh bất cứ thứ gì, bạn cũng cần có sự phát triển và kinh doanh bánh mì cũng vậy. Nếu giữ mãi cách làm cũ bạn có thể sẽ phải chấp nhận dậm chân tại chỗ về doanh thu, hoặc bị người mới làm tốt hơn thay thế.
4.1. Bán món ăn quen thuộc nhưng đừng quên cải tiến
Sau khi đã ổn định với một nguyên liệu chủ chốt đặc sắc khiến khách hàng nhớ tên, hãy tìm cách để đưa chất lượng bánh mì đi lên. Bạn có thể thử thêm các loại sốt mới, thay đổi nguồn mua nguyên liệu sao cho tươi ngon hơn… Hoặc đơn giản là điều chỉnh topping bánh mì cho hợp mùa: trời nóng thêm dưa leo mát, trời lạnh thêm nhân cay nhẹ cũng đủ làm khách thích thú.
Cải tiến nhỏ nhưng tinh tế giúp bạn vừa giữ được hương vị truyền thống, vừa làm mới trải nghiệm ăn uống. Làm gì có ai ăn hoài một vị mỗi ngày mà không thấy chán.
4.2. Học hỏi từ các mô hình kinh doanh bánh mì nổi bật tại Việt Nam
Học hỏi từ những người đi trước thành công luôn là con đường ngắn nhất để thành công. Các case study dưới đây sẽ cho bạn những thông tin hữu ích.
- Sự phát triển nhanh chóng của bánh mì Má Hải không phải ngẫu nhiên. Bắt đầu từ một xe đẩy nhỏ, họ đã phát triển thành chuỗi nhượng quyền nhờ quy trình chuẩn hóa sản phẩm, đồng bộ hình ảnh thương hiệu và nhất quán trong chất lượng từng ổ bánh.
- Bánh mì Pew Pew mang đến bài học từ việc marketing cá nhân. Sự nổi tiếng của người chủ kinh doanh đã kéo theo sự tin tưởng của cộng đồng mạng và gây hiệu ứng tò mò, thu hút thử sản phẩm.
- Bánh mì Hội An tận dụng yếu tố văn hóa địa phương làm nên thương hiệu. Các cửa hàng bánh mì tại Hội An gây ấn tượng sâu sắc với khách hàng nhờ những công thức sốt đậm chất riêng. Sự đặc sắc khiến cho khách hàng từ mọi miền đều nhớ tới hương vị của món được mệnh danh là “Bánh mì ngon nhất thế giới”.
Kinh doanh bánh mì không dễ dàng, nhưng nếu bạn chuẩn bị kỹ lưỡng từ sản phẩm, chiến lược bán hàng đến vận hành và liên tục cải tiến, thành công hoàn toàn nằm trong tầm tay. Mỗi ổ bánh mì ngon, mỗi trải nghiệm tốt cho khách hàng sẽ giúp bạn đứng vững và phát triển. Nếu cần hỗ trợ setup mô hình kinh doanh thực phẩm, K-Setup sẵn sàng đồng hành cùng bạn trên hành trình hiện thực hóa giấc mơ kinh doanh.
Hãy đến với công ty K-SETUP để trải nghiệm dịch vụ setup siêu thị chuyên nghiệp hàng đầu Việt Nam. Bạn cần tư vấn hoặc có bất kỳ thắc mắc nào khác hãy liên hệ với chúng tôi để được tư vấn miễn phí:
🏢 CÔNG TY TNHH THIẾT KẾ VÀ CUNG ỨNG K-SETUP.
🔰VP Hà Nội: Số Nhà F1 Ngõ 112, Phường Kiến Hưng, Quận Hà Đông, Thành phố Hà Nội
☎ Hotline: 098.5566.123
🔰TP.HCM: Tầng 2, Số 44 đường số 1, KDC Cityland, Phường 10, Quận Gò Vấp, TP.HCM
☎ Hotline: 085.399.2222
Bản quyền thuộc về công ty K-Setup!